Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo của mọi người dân. Khi cả xã hội đang quyết liệt đấu tranh với vấn nạn “thực phẩm bẩn” len lỏi vào bữa cơm của mỗi gia đình, thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn hiện hữu ngay trước các cổng trường học. Song việc ngăn chặn, loại bỏ những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là bài toán khá nan giải, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, nhà trường và gia đình.
Dạo quanh một số trường học trên địa bàn huyện Diễn Châu, trước khi vào học, giờ ra chơi hay khi tan học, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những “quán hàng rong di động” bày bán đủ các món ăn vặt và các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điểm chung của các thực phẩm ăn nhanh là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và nguyên liệu cũng không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của thế hệ tương lai.
Nhiều phụ huynh lo ngại trước tình trạng thực phẩm đang bày bán tại các cổng trường bởi các em học sinh còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức đầy đủ các yêu cầu về việc đảm bảo VSATTP mà chỉ cần đẹp, rẻ tiền là đổ xô mua. Bên cạnh đó do tâm lý lứa tuổi thích tụ tập bạn bè, thích các đồ ăn vặt nên việc tìm hiểu các thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề VSATTP gần như không có.
Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng rong không đảm bảo an toàn, một số trường học trên địa bàn huyện Diễn Châu đã thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong; tuyên truyền các em về kiến thức an toàn thực phẩm. Một số nhà trường đã có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, mang quà ăn vặt đến lớp để xếp vào điểm thi đua, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của các xã cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường trên địa bàn toàn huyện. Tuy nhiên, tại nhiều trường học, trước giờ ra chơi hoặc giờ tan học khoảng 30 phút là những chiếc xe bán hàng lưu động với đầy các đồ ăn lại xuất hiện. Sau đó lại được thu dọn rất nhanh nên rất khó để kiểm soát và xử lý.
Tại các cổng trường trên địa bàn xã Diễn Tân, mặc dù chỉ có vài ba điểm bán hàng rong nhưng trước giờ vào học hay sau giờ tan trường cũng xuất hiện cảnh tượng các em học sinh chen chúc nhau mua hàng. Và một điều đáng buồn là vẫn có những bậc phụ huynh mua các loại bánh kẹo không đảm bảo chất lượng cho con em của mình ngay tại cổng trường trong những giờ đón con.
Để giải quyết triệt để tình trang mất an toàn thực phẩm tại cổng các trường học trên địa bàn xã, cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Cụ thể:
- Chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
- Nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh các dấu hiệu nhận biết để tránh xa mầm bệnh từ những hàng quán vỉa hè. Ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn những thực phẩm “3 không” không thể tiếp cận được đến tay học sinh, nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc.
“Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm “3 không” đối với sức khỏe... Hãy là những người tiêu dùng thông thái.
- Đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của những người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Mỗi người kinh doanh phải có kiến thức về an toàn thực phẩm và đạo đức kinh doanh, xem sức khỏe của các cháu học sinh như chính con em của mình để từ đó không sản xuất, buôn bán những thực phẩm độc hại.
Cộng đồng hãy chung tay để giải quyết triệt để tình trạng ATTP trước cổng trường vì sức khỏe, vì tương lai con em chúng ta.
BAN CHỈ ĐẠO VỆ SINH ATTP XÃ